Tin tức sự kiện
Vật hóa nam giới và sự khủng hoảng nam tính
19/02/2021
Vật hoá (objectification) là một ý niệm phổ biến trong các lý thuyết nữ quyền [1], theo đó, phụ nữ bị đối xử như đồ vật, được sử dụng bởi người khác. Chúng ta có thể quan sát được hiện tượng này trong truyền thông khi một phần thân thể của người phụ nữ được phóng đại, tập trung, làm cho méo mó, biến dạng, để thoả mãn nhu cầu tình dục của khán giả được cho là nam giới. Điều này cũng diễn ra trong diễn ngôn chính trị khi thân thể phụ nữ, đặc biệt là buồng trứng, âm đạo, được mang ra để làm đối tượng thảo luận cho những tranh luận chống phá thai, chống lại quyền của người chuyển giới… Với một đồng thuận học thuật rộng rãi rằng đây là một hiện tượng không đúng đắn về mặt đạo đức, chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng, liệu điều này có diễn ra đối với nam giới hay không?
Vật hoá đối với nam giới trong không gian văn hoá hiện đại có xảy ra, tuy nhiên, với một hình thái khác hơn so với phụ nữ. Trong khi vật hóa phụ nữ thường có dạng thức “tách rời”, tức một phần thân thể của phụ nữ được tách ra để làm đối tượng cho mong muốn tình dục hoặc các mục đích khác, sự vật hóa đối với nam giới thường xảy ra trên cơ sở nhìn nhận nam giới như một tổng thể, một sự khái quát của một đặc điểm riêng biệt nào đó. Theo đó, việc không đạt được một tiêu chuẩn được cấu trúc về mặt xã hội nào đó của nam giới thường được khái quát hoá như một sự thất bại nói chung của cá nhân trong xã hội. Để làm rõ cho điều này, bài viết sẽ phân tích ba phương thức chính mà qua đó nam giới thường bị vật hoá trong xã hội của chúng ta: (1) như công cụ của bạo lực, (2) như công cụ cho sản xuất vật chất, và (3) như công cụ để duy trì nòi giống.
Nam giới như công cụ của bạo lực
Nam giới và cơ thể của họ trong lịch sử ở các xã hội khác nhau luôn được xem là công cụ của bạo lực. Họ được sử dụng như công cụ để tiến hành chiến tranh, và thực hiện những công việc có liên quan để việc áp dụng, thực hành và hứng chịu bạo lực (như vệ sĩ, lính đánh thuê, côn đồ chuyên nghiệp,…). Sự mất mát cũng như tổn thương cho thân thể của họ thông qua những công việc đó được xem là điều hiển nhiên hoặc đáng được vinh danh. Sự né tránh bạo lực thường được xem là một điều đáng hổ thẹn hoặc là hành vi phạm tội (trong trường hợp cưỡng bách tòng quân).
Sự vật hoá này là trụ cột trong nền văn hoá cỗ vũ và tôn thờ bạo lực, với người thực thi và hứng chịu bạo lực gần như luôn là nam giới. Bạn hãy tưởng tượng đến bất kỳ cảnh hành động nào, trong bất kỳ bộ phim hành động hay siêu anh hùng nào, với người anh hùng tả xung hữu đột chống lại “bọn xấu”. Chúng ta, một cách tự nhiên, sẽ tưởng tượng ra “bọn xấu” đó là những người đàn ông, mặc đồ đen, khuôn mặt họ thường không bao giờ lộ rõ, cố gắng một cách vô vọng chống lại “người hùng” của chúng ta. Chúng ta hân hoan và trầm trồ trước vẻ đẹp của bạo lực. Chúng ta chứng kiến sự huỷ hoại của cuộc đời và thân thể của những người đàn ông một cách bình thản, không cảm xúc, trong khi cỗ vũ cho chính điều mang lại điều đó. Tất nhiên, bạn có thể nói, đó chỉ là phim ảnh, không phải đời thực. Nhưng điện ảnh sẽ không phải là điện ảnh nếu nó không mời gọi bạn cho rằng những điều đang xảy ra trước mắt bạn là thực. Và nếu những gì xảy ra trước mắt bạn là thực, thì tất cả những người xấu đó đều có cuộc đời riêng, họ đã được ai đó sinh ra, đã được ai đó yêu quý, đã thiết lập mối quan hệ với đó, đã đi đến những nơi, làm những việc,… Và tất cả những điều đó đều biến mất trong sự kỳ thú của bạo lực đang diễn ra. Người anh hùng, như là chủ thể của huỷ diệt, thường thì, đến cuối cùng, cùng bị huỷ diệt trong bạo lực. Nam tính và đỉnh cao của nó, được thấu hiểu như sự huỷ diệt và bị huỷ diệt. Và cũng như khi việc vật hoá phụ nữ diễn ra, người phụ nữ biến mất, chỉ còn lại mông, ngực, âm đạo, buồng trứng, trong trường hợp này, người đàn ông cũng biến mất, chỉ còn lại bạo lực.
Sự tổn hại gây ra bởi sự vật hoá này là đa tầng, từ vi mô đến vĩ mô, từ cấp độ cá nhân đến quốc gia, dân tộc. Ở cấp độ cá nhân, sự vật hoá nam giới như công cụ bạo lực tạo ra một không gian văn hoá trong đó sự đau đớn của nam giới về thể xác và tinh thần bị xem nhẹ và bỏ qua. Ở cấp độ quan hệ liên cá nhân, gia đình, nam giới được cổ vũ thi hành và áp dụng bạo lực, mà quá thường xuyên, đối tượng bị áp dụng là nữ giới. Ở cấp độ quốc gia, các “chính trị gia diều hâu” sẽ sẵn sàng đẩy xã hội, cộng đồng và đất nước của họ vào chiến tranh. Bởi họ biết rằng, khi họ tuyên chiến, sẽ có những người đàn ông sẵn sàng chết cho sự thất bại của họ trong việc duy trì hòa bình, và sẽ có những người sẵn sàng tẩy chay, trêu xấu, rút phép thông công… bất kỳ ai từ chối tham gia vào trò chơi chiến tranh của họ. Bởi sự mất mát về thân thể và cuộc đời của nam giới không là gì so với vinh quang của chiến tranh.
Nam giới như công cụ cho sản xuất vật chất
Cơ thể và cuộc đời của nam giới cũng được xem là một phần của bộ máy kinh tế. Nam giới được kỳ vọng sẵn sàng hy sinh thân thể và sức khỏe của mình để đạt được mục tiêu công việc, dù mục tiêu đó có được đặt ra bởi một lãnh chúa phong kiến, một chủ doanh nghiệp hay một nhà nước hùng mạnh. Sự vật hoá thân thể của nam giới thể hiện ở kỳ vọng rằng nam giới sẽ tiến hành những công việc nguy hiểm, và cũng như trong chiến tranh, ca ngợi họ hoặc thờ ơ với họ nếu họ phải mất mát thân thể hoặc mạng sống. Nam giới cũng được kỳ vọng phải sử dụng toàn bộ cuộc đời của họ cho việc sản xuất ra của cải vật chất, với vị thế xã hội của họ được quy giản hoàn toàn vào nghề nghiệp họ làm, những gì họ sản xuất được. Thất bại trong việc sản xuất ra của cải vật chất, là thất bại trong việc là một người đàn ông.
Xu hướng vật hóa này thúc đẩy xã hội, với nền văn hoá và các thiết chế của nó, xem nam giới như công cụ có thể được dùng để bỏ đi trong quá trình sản xuất vật chất. Điều này, trong nền kinh tế đang phát triển, thể hiện ở việc từ chối cung cấp bảo hộ lao động thỏa đáng từ người sử dụng lao động, cũng như sự lơ là của chính bản thân người lao động trong việc sử dụng những phương tiện bảo hộ đó. Trong thời gian gần đây, các công ty công nghệ mới xuất hiện đã từ chối việc công nhận tư cách người làm thuê đầy đủ cho lao động của họ, gần như hoàn toàn là nam giới, với nhiều lý do khác nhau. Các lực lượng xã hội nói chung cũng không chú tâm đến việc đòi hỏi quyền lợi cho đối tượng này. Thậm chí, có những tự sự cho rằng những người này phải chấp nhận hoàn cảnh của họ để duy trì một mức dịch vụ “rẻ” từ đó giảm chi phí cho xã hội . Ngầm định trong những sự từ chối và thờ ơ này, bên cạnh lý do có tính giai cấp, còn là ngầm định rằng thân thể của nam giới là công cụ có thể được bỏ đi, có thể được hiến sinh cho kinh tế, công nghệ và tiến bộ vật chất xã hội.
Nam giới như công cụ để duy trì nòi giống
Cũng giống phụ nữ, cơ thể của nam giới được kỳ vọng để sử dụng vào việc sinh sản và duy trì nòi giống. Ở các xã hội có nguồn gốc Khổng giáo, với giá trị về sự tôn thờ thế hệ có vai trò tối thượng, có một áp lực không hề nhỏ đối với nam giới trong việc duy trì dòng dõi bằng cách sinh con trai. Dưới quan điểm thông thường, chúng ta có thể cho rằng đây là một sự “trọng nam khinh nữ”, nhưng dưới góc nhìn dựa trên sự vật hoá nam giới, chúng ta có thể thấy rằng không gì được xem trọng ở đây. Thân thể nam giới, bên cạnh là một phần của cỗ máy chiến tranh và kinh tế, thì cũng là một phần của guồng máy xác thịt để cung cấp nguyên liệu cho hai nguồn máy kia. Người đàn ông chỉ là một mắt xích trong một dòng dõi được kỳ vọng là kéo dài đến vô tận, để duy trì đến vô tận cỗ máy bạo lực chính trị và sản xuất kinh tế.
Tại đây, nếu chúng ta xâu chuỗi ba chiều kích này lại, chúng ta sẽ có được một sự thấu hiểu nhất định về nam tính, bi kịch cũng như nguồn gốc của điều mà chúng ta gọi là “sự khủng hoảng của nam tính” ngày nay. Quá trình vật hoá nam giới thúc đẩy họ phải sinh để bằng mọi giá, rồi sau đó cũng thúc đẩy họ gieo mình vào cỗ máy chiến tranh, bạo lực chính trị, hoặc guồng máy sản xuất vật chất. Những đứa con được sinh ra, hoặc có một người cha thiếu vắng, hoặc không có cha. Nam tính không có không gian lẫn thời gian để củng cố, định hình và bồi dưỡng qua thế hệ. Không có gì để truyền cảm hứng cho nó hoặc được nó dùng để phản chiếu ngoài bộ máy quyền lực, chiến tranh, bạo lực và tình dục. Hệ quả chúng ta có được đó là một thứ nam tính đề cao bạo lực, tôn sùng quyền lực, sự giàu có vật chất và sự ám ảnh đối với tình dục. Điều mà chúng ta gọi là “sự khủng hoảng của nam tính” không phải là một hiện tượng mới, nó chỉ là hệ quả được mang lại bởi sự thấu hiểu và kiến thức mà chúng ta có được từ những phát triển gần đây của triết học cấp tiến chủ nghĩa, khoa học xã hội và tâm lý học.
Dựa trên sự thấu hiểu này về nam tính, hay sự khủng hoảng của nó, chúng ta có thể thấu hiểu được tại sao phần lớn điều được chúng ta định nghĩa là “nam tính độc hại” lại liên quan đến sự xa lạ hoá về cảm xúc, sự theo đổi bạo lực của nam giới, sự thèm khát quyền lực, bạo lực, của cải cũng như sự ám ảnh đối với tình dục của nam giới. Và đã quá thường xuyên, nạn nhân của những đặc điểm nam tính độc hại này là phụ nữ. Phụ nữ bị đối xử bạo lực, vật hóa, tình dục hoá vì có khả năng áp dụng bạo lực, sở hữu và áp đặt tình dục được xem là những dấu mốc cho nam tính. Những chịu đựng mà phụ nữ gặp phải, chính là sự hiện thực hoá của sự vật hoá nam giới trong xã hội của chúng ta.
Trong phân tích này, có một sự hấp dẫn nhất định trong việc đồng hóa những phê phán đối với sự vật hóa nam giới vào phê phán dựa trên giai cấp. Suy cho cùng, chính những người đàn ông thuộc giai cấp thấp trong xã hội mới phải làm những công việc nặng nhọc, phải thực hiện chiến tranh… và vì thế, sự đàn áp mà họ phải chịu suy cho cùng cũng nằm trong bức tranh lớn hơn về đàn áp giai cấp. Dựa trên nhận định này, một quan điểm có thể được đưa ra, đó là việc chú tâm vào phương diện giới là một sự thừa thãi, một sự đánh lừa khỏi trọng tâm là tình thế đối kháng giai cấp trong xã hội. Tôi không cho rằng quan điểm có tính quy giản giai cấp này là đúng. Một lý do là vì hai phê phán này có thể được thực hiện song song nhau và không loại trừ lẫn nhau. Bên cạnh đó, sự vật hóa không chỉ diễn ra trong tương tác giữa các giai cấp mà còn ở cấp độ các cá nhân với nhau, giữa bạn bè, vợ chồng, gia đình,… Và những đàn áp này trong lịch sử diễn ra đặt biệt đối với nam giới và có liên hệ sâu sắc đến căn tính của họ cũng như quan niệm về nam tính. Vì những lý do này, yếu tố giới cần được chú trọng và nhấn mạnh đến trong việc phân tích tình thế bị đàn áp của nam giới, sự quy giản đơn thuần về giai cấp, hay quyền phổ quát, chỉ làm mờ đục đi vấn đề.
Có hai phê phán mà tôi cho là khả dĩ đối với những phân tích của tôi ở đây. Phê phán đầu tiên đó là phê phán dựa trên những tất yếu tính của tự nhiên và xã hội. Phê phán này có thể như sau. Đó là những nghề nghiệp có tính nguy hiểm cao là những tất yếu của xã hội, xã hội hiện đại không thể tồn tại và vận hành nếu thiếu đi những người làm những công việc nguy hiểm như lính cứu hỏa, tài xế xe tải, thợ điện, người làm công tác cứu hộ,… Nhà nước cũng là một yếu tố tất yếu trong bất kỳ xã hội hiện đại nào, và trong chừng mực mà nhà nước còn tồn tại, nó sẽ còn cần đến một bộ máy bạo lực vật chất để duy trì và vận hành nó. Bên cạnh đó, trong những ở vị thế nhạy cảm về địa chính trị, khi nguy cơ bị xâm lược bởi các nước khác là luôn thường trực và vì thế luôn cần một quân đội thường trực để đảm bảo nguy cơ không diễn ra. Và trong tình thế mà nam giới luôn có lợi thế hơn nữ giới về thể chất, họ sẽ tham gia chủ yếu trong những công việc này.
Phê phán của tôi ở đây không nhằm hướng đến những tất yếu tính này mà là thái độ của chúng ta đối với chúng. Cụ thể, (1) cách mà chúng ta ngăn chặn sự mất mát xảy ra, (2) thái độ của chúng ta khi sự mất mát đã diễn ra rồi. Thái độ vật hóa nam giới khiến chúng ta (1) không chú tâm đến việc ngăn chặn rủi ro mất mát và loại bỏ những điều kiện cần thiết để mất mát, xung đột không xảy ra, (2) khi mất mát xảy ra, chúng ta lại có thái độ thờ ơ, xem đó là một điều hiển nhiên xảy ra, xem đó như hệ quả tất yếu của lựa chọn của họ (“Làm nghề đó thì phải chịu thôi”, “Đi lính thì phải chịu thôi”) như thể họ xứng đáng có thân thể và cuộc đời bị tước đoạt (!?) hoặc tồi tệ hơn cả, là vinh quang hoá sự mất mát đó, xem cái chết không phải là một điều đáng tiết, một tai nạn, mà là một sự thể nên diễn ra. Và những thái độ này, đến lượt chúng, trong một số trường hợp, tạo ra một thực tại theo đó sự vật hóa lại trở nên cần thiết. Một khối công dân hiếu chiến được lãnh đạo bởi những chính trị gia diều hâu sẽ sẵn sàng tham gia chiến tranh hơn so bất kể vị thế địa chính trị của đất nước đó là gì. Thái độ này đến lượt nó tạo ra nhu cầu duy trì một quân đội thường trực, đông đúc, và tất nhiên, cấu thành chủ yếu từ nam giới. Một xã hội thờ ơ trước sự toàn vẹn thân thể của nam giới sẽ không thúc đẩy các luật, quy định về bảo hộ lao động và từ đó tạo ra một nền kinh tế có rủi ro cao. Một nền kinh tế như vậy sẽ thúc đẩy, hoặc không mang lại cơ hội nào khác, để nam giới phải tham gia vào những ngành nghề nguy hiểm đó. Sự vật hóa nam giới thúc đẩy cá nhân cũng như cộng đồng chính trị đến chỗ lựa chọn điều mà họ đã có thể lựa chọn khác đi nếu không có thái độ như thế, và theo đó, tạo ra một tình thực tế đòi hỏi những tất yếu nhất định.
Một phản đối khả dĩ thứ hai đó là những điều mà tôi phê phán ở đây như sự dũng cảm, tham vọng, siêng năng, cần cù… là những phẩm hạnh tốt đẹp mà nếu không có chúng, xã hội sẽ ít thịnh vượng, giàu có và tốt đẹp hơn. Việc gắn những phẩm hạnh này cho cái được gọi là “sự vật hóa nam giới” hoặc “nam tính độc hại” là sự tấn công vào những gì tốt đẹp trong nền văn hoá của chúng ta và vì thế, theo một diễn giải nào đó, sẽ kéo xã hội đi xuống. Phê phán này bỏ qua một đặc điểm quan trọng của những gì có thể được gọi là phẩm hạnh. Những đặc điểm của tính cách như sự dũng cảm, tham vọng, siêng năng không tự chúng là những phẩm hạnh tốt đẹp. Chúng ta không gọi một người là “dũng cảm” khi họ mù quáng đâm đầu vào chỗ chết, chúng ta không gọi một người là “chăm chỉ” khi họ dồn sức vào một công việc không thể có kết quả. Điều khiến những đặc điểm phẩm chất này trở nên phẩm hạnh đó là trí tuệ thực hành (practical wisdom) tức khả năng của chủ thể trong việc đánh giá tình thế một cách tổng thể, dựa trên thông tin đầy đủ, được hướng dẫn bởi những giá trị đúng đắn và hành động một cách tự chủ nhất có thể trong hoàn cảnh. Chúng ta có thể gọi một người sẵn sàng hy sinh tính mạng để hiện thực hoá công lý là dũng cảm nhưng không như thế nếu họ sẵn sàng chết để duy trì một hệ thống phi công lý. Một người dồn hết sức lực cho việc hiện thực hóa những dự án hướng đến sự hoàn thiện của bản thân hay cộng đồng có thể được xem là chăm chỉ, nhưng một người bị buộc phải làm việc trong một môi trường độc hại về thân thể lẫn tinh thần, không nhận được sự bảo vệ đầy đủ thì đang ở trong tình thế bị đàn áp. Tham vọng trong việc đạt được những điều lớn lao để đóng góp cho cộng đồng hoặc đạt được sự hoàn hảo về khoa học, nghệ thuật hoặc tâm linh… là một phẩm hạnh, nhưng tham vọng trong việc đạt được sự giàu có về vật chất và quyền lực bất kể thiệt hại gây ra cho người khác là một thói xấu. Sự vật hóa nam giới vận hành dựa trên sự đánh đồng phẩm chất và phẩm hạnh. Phẩm chất được mặc nhiên xem là phẩm hạnh mà không cần tính đến mục tiêu của sự hiện thực hoá chúng hay môi trường mà trong đó chúng được hiện thực hoá.
Công nhận sự vật hóa nam giới là công nhận việc chúng ta cần có một sự thay đổi căn gốc, không chỉ trong cách chúng ta nhìn nhận nam giới và nam tính mà còn trong cách chúng ta nhìn nhận các thiết chế xã hội. Nam tính cần được định nghĩa và phát triển trong một khoảng cách an toàn với quyền lực của nhà nước (hoặc các thiết chế có quyền lực tương tự) và thị trường. Nó phải có không gian và thời gian để có thể được vun đắp và sinh sôi nảy nở trong một không gian dân sự tự do, phong phú, dọc theo những quyền dân sự và chính trị phổ quát cũng như những thành quả đạt được trong các lĩnh vực của tri thức và nghệ thuật của con người. Những yếu tố là nguồn gốc hoặc chịu ảnh hưởng từ sự vật hóa nam giới cần được chỉnh sửa hoặc loại trừ khỏi các thiết chế và tập quán xã hội của chúng ta.
Vật hóa tính dục
Tất nhiên, không thể phủ nhận việc nam giới cũng bị vật hóa vì mục đích tính dục. Tuy nhiên, đây là hiện tượng có bản chất tương đối khác so với những hiện tượng bên trên. Trong khi sự vật hoá diễn ra theo những cách trên thường nhằm phục vụ mục đích của xã hội nói chung, của giai cấp thống trị, của nhà nước,… và diễn ra đối với nam giới nói chung, thì sự vật hoá vì mục đích tính dục đối với nam giới, trong xã hội của chúng ta, thường xảy ra đối với nam giới đồng tính/song tính và để phục vụ cho mục đích của phụ nữ. Đây là trường hợp đặc biệt vì nhóm người đồng tính/song tính là một nhóm người có lịch sử bị đàn áp trong xã hội và tình trạng bị đàn áp của họ trong trường hợp này là sự giao cắt giữa việc là nam giới và việc là một nhóm người thiểu số, bị lạm dụng bởi một nhóm xã hội, dù có quyền lực lớn hơn, nhưng không phải là nhóm thống trị – phụ nữ dị tính.
Chúng ta có thể quan sát được hiện tượng này trong một không gian văn hoá “ngách” – phi chính thống – đó là không gian văn hoá “đam mỹ”. Đây là không gian văn hoá bao gồm tập hợp các sản phẩm văn hoá như phim, truyện, tiểu thuyết, diễn ngôn, tự sự,… xoay quanh các mối quan hệ đồng tính nam nhưng được diễn giải, cấu trúc, dưới cái nhìn của phụ nữ. Những nhân vật này thường tham gia vào các mối quan hệ được dị tính hoá – tức một người trong cặp đôi sẽ đóng vai “nam”, một người khác sẽ đóng vai “nữ” và tương tác theo cách mà một cặp đôi dị tính thường tương tác với nhau trong mối quan hệ giữa họ. Đây là cách, như một số diễn giải, để phụ nữ có thể khám phá căn tính tính dục của họ. Tuy nhiên, điều đó lại được thực hiện trên sự bốc lột tính dục đối với nam giới đồng tính/song tính.
Dù cho là một không gian văn hoá phi dòng chính, nhưng việc nó phục vụ hay hướng đến một đối tượng thuộc nhóm đa số – phụ nữ, đã mang lại cho nó quyền lực xâm nhập, thống lĩnh và lấn át không gian văn hoá riêng biệt của người đồng tính/song tính nam. Để phục vụ cho một đối tượng khán giả đông đảo hơn, các nhà sản xuất các sản phẩm truyền thông có xu hướng lựa chọn diễn giải “đam mỹ” khi thể hiện các mối quan hệ đồng tính trong sản phẩm của họ. Xu hướng này, một mặt, tước bỏ đi nguồn lực vốn có thể được dùng để tạo ra những thể hiện chân thực và lành mạnh cho người đồng tính/song tính nam và mối quan hệ của họ, đồng thời, tạo ra một lực đẩy cho không gian văn hoá này trong việc xâm nhập văn hóa dòng chính, tức văn hoá phổ thông, từ đó cấu thành nên nhận thức mang tính dị tính hoá và tình dục hoá của công chúng về các mối quan hệ đồng tính nam. Nhận thức mang tính dị tính hoá là quan niệm cho rằng các mối quan hệ đồng tính chỉ là sự nhại theo, phái sinh của các mối quan hệ dị tính và mô hình quan hệ dị tính vẫn là hình mẫu cơ bản của các mối quan hệ lãng mạn nói chung. Nhận thức mang tính tình dục hoá đó là các mối quan hệ đồng tính có bản chất tính dục là chủ yếu và thiếu đi những đặc điểm cần thiết để xây dựng một đơn vị gia đình lành mạnh và ổn định qua thời gian như sự gắn kết tình cảm, sự hợp tác xây dựng đời sống lâu dài và xu hướng tạo ra môi trường ổn định cho việc nuôi con chung.
Điều này gây ra nhiều tác hại đối với cộng đồng người đồng tính/song tính nam. Nó gây cản trở cho quá trình đấu tranh của người đồng tính trong việc đạt được quyền bình đẳng trong lĩnh vực hôn nhân và các lĩnh vực khác trong xã hội, vì nếu như mối quan hệ đồng tính chỉ là sự phái sinh, mang màu sắc đơn thuần tính dục, không có những đặc điểm hướng tới sự ổn định lâu dài,… thì không có lý do gì để phải công nhận hôn nhân đồng tính. Mặt khác, do sự thiếu những hình tượng có tính tích cực trong văn hoá phổ thông về nhân vật đồng tính và mối quan hệ đồng tính, người đồng tính/song tính nam có xu hướng nội tại hoá những khuôn mẫu độc hại này vào đời sống và mối quan hệ của họ, từ đó gây ra những rối loạn về tâm lý và đời sống tình cảm. Họ cho rằng có luôn phải có một người đóng vai “vợ”, với vị thế nội trợ, phục tùng, còn một người luôn đóng vai “chồng” với vị thế thống trị, đảm nhiệm vai trò chu cấp, chủ động về tình dục,… Cần lưu ý rằng bản thân khuôn mẫu này không tự thân nó có tính độc hại, sự độc hại ở đây đến từ sự thiếu vắng những hình dung và khuôn mẫu đa dạng để từ đó người đồng tính/song tính nam có thể lựa chọn để cấu hình nên mối quan hệ của họ.
Sự vật hoá thông qua việc nhìn nhận như công cụ của bạo lực, của sản xuất vật chất và duy trì nòi giống xã hội, cùng với sự vật hoá tính dục được thực hiện bởi nữ giới dị tính đối với nam giới đồng tính/song tính, cấu thành nên khuôn khổ cơ bản mà qua đó nam giới bị đàn áp và bóc lột trên cơ sở giới và tính dục trong xã hội của chúng ta. Và trong chừng mực mà tình trạng này được xem là không đáng mong muốn, những thay đổi căn gốc về văn hoá và thiết chế cần được thực hiện. Bài viết này không thể đưa ra được giải pháp cụ thể, cũng như không thể mang lại được một định nghĩa khẳng định về nam tính (và tôi cũng nghi ngờ rằng điều đó có thể được thực hiện, vì nam tính, cũng giống như nữ tính, chỉ có thể được tìm thấy và bồi đắp trong thế giới đời sống đa dạng và phong phú). Nhưng tất nhiên, điều chúng ta cần đầu tiên là một khuôn khổ ý niệm.
Lời bạt
Bài luận này được viết dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa nữ quyền về tính tự chủ tương đối – tức một quan điểm cho rằng sự tự chủ của con người không tự nhiên mà có, mà chỉ xuất hiện trong những điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và nội tại nhất định của cá nhân. Quan niệm phẩm hạnh được sử dụng trong bài viết có ngầm định sự tự chủ này. Bài viết cũng ngầm định rằng, một quan niệm lành mạnh về nam tính, dù nó là gì, cũng dựa trên sự tôn trọng các quyền phổ quát thay vì một quan niệm truyền thống nào đó về trật tự xã hội. Vì những lý do này, sẽ là không thành thật nếu xếp các quan điểm trong bài viết này vào một tự sự “chống nữ quyền” nào đó, hay thậm chí gọi nó với một cái tên mỉa mai một cách không phản tỉnh là “nam quyền”. Một cách nhìn nhận phù hợp là xem những phê phán này như một phần của diễn ngôn nam tính luận (masculinist discourse), cùng với chủ nghĩa nữ quyền, là một phần của tập thể các quan điểm tiến bộ chủ nghĩa về xã hội (social progressivist views).
Phạm Quốc Việt
[1] Tham khảo Evangelia (Lina) Papadaki, “Feminist Perspectives on Objectification”, trong The Stanford Encyclopedia of Philosophy, b.t Edward N. Zalta, Spring 2021 (Metaphysics Research Lab, Stanford University, 2021), https://plato.stanford.edu/archives/spr2021/entries/feminism-objectification/.
————————-
Phạm Quốc Việt – hiện là nhà nghiên cứu độc lập, cộng tác viên nghiên cứu tại VESS (Viện nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam), dịch giả về đạo đức học và triết học chính trị. Việt là cử nhân Luật và cũng là nguyên phó chủ nhiệm CLB Học thuật Lan toả.
Lưu ý: Bài viết do cộng tác viên thực hiện và không nhất thiết phản ánh quan điểm của CEPEW
Tin tức sự kiện
Đăng ký nhận thông tin mới