Tin tức sự kiện

Đảm bảo luật tiếp cận thông tin tương thích với pháp luật hiện hành của Việt Nam và luật pháp quốc tế về quyền con người

26/07/2021

news-events-home

Tiếp cận thông tin (TCTT) là một quyền con người và được xem là một điều kiện tiên quyết thực thi các quyền con người khác và đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các nhà nước. TCTT tạo điều kiện cho mỗi cá nhân có khả năng đưa ra các quyết định một cách có hiểu biết cũng như thúc đẩy quản trị tốt và phòng chống tham nhũng. Do đó, ngày càng có nhiều quốc gia ban hành các đạo luật về quyền tự do thông tin trong những thập niên qua. Tính đến hết năm 2014, đã có 103 quốc gia ban hành luật về quyền thông tin. Không dừng lại ở đó, một số quốc gia đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi hoặc được khuyến nghị sửa đổi luật của họ để thực thi tốt hơn quyền tự do thông tin của mọi người.

Việt Nam đang trong quá trình soạn thảo Luật TCTT. Dự thảo luật này đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ tư pháp để lấy ý kiến công chúng vào tháng 5-6/2015. Dự thảo Luật TCTT sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội lần đầu tiên vào Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Nhằm thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân Việt Nam đã được quy định tại Điều 28 Hiến pháp 2013, Nhóm công tác vì sự tham gia của người dân (PPWG)1 và các đối tác đã thực hiện tham vấn ý kiến của công chúng cho Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) trong giai đoạn từ tháng 5 – 9/2015. Tham vấn được thực hiện nhằm hai mục tiêu: 1) Tìm hiểu tình hình và yêu cầu của người dân đối với Nhà nước trong việc thực hiện và bảo đảm quyền TCTT; 2) Xây dựng các khuyến nghị gửi tới Ban Soạn thảo Luật TCTT và các đại biểu Quốc hội nhằm ban hành một luật TCTT phù hợp với yêu cầu của người dân và các nghĩa vụ của Nhà nước về quyền TCTT.

Việc tham vấn ý kiến tập trung vào ba vấn đề chính: i) Chủ thể nào có quyền tiếp cận thông tin? ii) Chủ thể nào có nghĩa vụ cung cấp thông tin? iii) Cơ chế đảm bảo cung cấp thông tin là gì, bao gồm nghĩa vụ cung cấp thông tin và nghĩa vụ giải quyết việc không thực hiện cung cấp thông tin? Các câu hỏi tham vấn được sắp xếp theo ba vấn đề chính này trên cơ sở điều chỉnh mức độ và ngôn ngữ để phù hợp với đối tượng tham vấn.

PPWG đã tham vấn 90 lượt chuyên gia về quyền con người, luật gia, luật sư, các nhà hoạt động xã hội, nhà báo, lãnh đạo và cán bộ các tổ chức xã hội dân sự (XHDS), cựu lãnh đạo các cơ quan Trung ương (TW); 36 lãnh đạo chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội các cấp địa phương; và 1.204 người dân là sinh viên, học sinh, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người sống chung với HIV, người tái định cư, người mãn hạn thi hành án tù sinh sống và học tập trên 14 tỉnh, thành phố thuộc 3 vùng miền Bắc, Trung, Nam.

Các phương pháp nghiên cứu tài liệu, hội thảo chuyên gia, thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu, điều tra bảng hỏi, thống kê và so sánh đã được áp dụng để thu thập ý kiến của các cá nhân kể trên và xây dựng các khuyến nghị.

Để đảm bảo người dân tham gia và kiến nghị một cách có hiểu biết (informed participation and informed-choice), các tham vấn viên đã cung cấp thông tin để người dân thảo luận về quyền tự do thông tin, quyền TCTT, ý nghĩa của TCTT, các yếu tố đảm bảo một luật TCTT tiến bộ trước khi lắng nghe trải nghiệm và mong muốn của người dân về Luật TCTT. Các phiên dịch viên ngôn ngữ dân tộc thiểu số và ngôn ngữ ký hiệu đã được mời để hỗ trợ những người dân tộc thiểu số không nghe, nói được tiếng Việt phổ thông và những người khiếm thính, khiếm thị trong quá trình thực hiện tham vấn.

Báo cáo tham vấn được xây dựng theo ba phần chính gồm i) Các chuẩn mực quốc tế về tự do thông tin và bình đẳng trong tìm kiếm, tiếp nhận, truyền bá thông tin và pháp luật hiện hành của Việt Nam về quyền TCTT; ii) Thực trạng tìm kiếm, tiếp nhận thông tin và những rào cản trong TCTT của người dân; và ii) Khuyến nghị cho một Luật TCTT tương thích với pháp luật hiện hành của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Chia sẻ
Close Bitnami banner
Bitnami