Tin tức sự kiện

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC THI LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN (LẦN THỨ HAI)

26/07/2021

news-events-home

Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định tại Điều 25 Hiến pháp 2013. Tính đến tháng 2/2019, Luật TCTT đã được Quốc hội thông qua gần 4 năm và có hiệu lực thực thi hơn 1,5 năm. Việc thực hiện Luật quan trọng này sẽ có những tác động tích cực đến cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp bao gồm góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và qua đó tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, cải thiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Việc thực hiện Luật cũng là công cụ hữu hiệu phòng, chống tham nhũng và tác động tích cực đến sự tuân thủ luật pháp của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp.

Trong giai đoạn từ tháng 11/2018 đến tháng 2/2019, với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh Châu Âu (EU), năm tổ chức và mạng lưới gồm Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), Liên minh khoáng sản (LMKS), Liên minh đất rừng (FORLAND), Liên minh nước sạch (LMNS) và tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã thực hiện đánh giá ban đầu việc thực thi Luật TCTT (hay còn gọi là đánh giá lần thứ nhất).

Với mục tiêu đưa ra các khuyến nghị nhằm thực thi quyền TCTT có hiệu quả hơn, đánh giá lần thứ nhất tập trung vào hai vấn đề chính. Thứ nhất, đánh giá sự tương thích giữa Luật TCTT và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan đến quyền TCTT với các công ước quốc tế về nhân quyền và phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Thứ hai, đánh giá ban đầu việc thực thi Luật TCTT của một số bộ, ngành và các tỉnh Hà Giang, Quảng Bình và Thành phố Đà Nẵng. Về mặt phương pháp, Nhóm nghiên cứu đã xây dựng và áp dụng một bộ gồm 34 chỉ số đánh giá việc thực thi quyền TCTT tại Việt Nam. Trong đó, có 9 chỉ số cấu trúc, 7 chỉ số tiến trình và 18 chỉ số kết quả. Kết quả đánh giá lần thứ nhất được công bố vào tháng 3/2019 và gửi tới một số cơ quan nhà nước có liên quan.

Trong giai đoạn từ tháng 11/2019 đến tháng 2/2020, EU tiếp tục hỗ trợ để năm tổ chức, mạng lưới kể trên cùng với Mạng lưới các tổ chức xã hội khu vực miền núi phía Bắc (NORTHNET) và tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam thực hiện đánh giá việc thực thi Luật TCTT lần thứ hai. Mục tiêu của đánh giá lần thứ hai nhằm tìm ra các yếu tố thúc đẩy, kết quả đạt được, những khoảng trống trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn và quá trình tổ chức thực hiện Luật TCTT. Từ đó, tiếp tục đưa ra những khuyến nghị cho các cấp, các ngành liên quan nhằm thúc đẩy thực thi một cách hiệu quả hơn Luật TCTT trong thời gian tới.

Dựa trên quy định của Luật TCTT và Nghị định 13/2018/NĐ-CP, Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một bảng kiểm gồm 9 nội dung công việc mà mỗi cơ quan nhà nước là chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin cần làm. Bảng kiểm này và bộ chỉ số kể trên đã được áp dụng để đánh giá việc triển khai Luật TCTT của 27 cơ quan nhà nước cấp TW; UBND tỉnh và Sở Tư pháp thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; và 100 cơ quan nhà nước khác trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng và Hà Giang. Kết quả đánh giá lần thứ hai được công bố vào tháng 2/2020.

Tính đến thời điểm xây dựng báo cáo đánh giá lần hai, Luật TCTT mới có hiệu lực hơn 1,5 năm, đồng thời đây cũng là Luật mới, chưa có đánh giá thực hiện trước đó nên Nhóm nghiên cứu hoàn toàn phải thiết kế công cụ và phương pháp để đánh giá Luật quan trọng này nên không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để các hoạt động tương tự về sau được hoàn thiện hơn.

NHÓM NGHIÊN CỨU

Chia sẻ
Close Bitnami banner
Bitnami