Tin tức sự kiện
Bảo đảm bình đẳng giới trong tham gia chính trị và đời sống công – Những trở ngại và giải pháp
15/11/2019
Kết quả nghiên cứu của CEPEW về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị thực hiện trong năm 2019 cho thấy nhìn chung số lượng và chất lượng phụ nữ tham gia và nắm giữ vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước và các cơ quan dân cử tăng so với trước đây. Điều này được khẳng định bởi người dân ở những nơi thực hiện nghiên cứu, bản thân lãnh đạo nữ và phụ nữ tiềm năng và các đồng nghiệp nam. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia của phụ nữ vẫn còn thấp và chủ yếu ở các vị trí ít quyền lực hơn nam giới.
Trong khuôn khổ tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và cơ quan dân cử ở huyện Hàm Tân” được CEPEW cùng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và chăm sóc bảo vệ trẻ em huyện Hàm Tâm, tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức vào ngày 13/11/2019, các đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan chính quyền và hội đoàn thể địa phương đã cùng thảo luận về những trở ngại trong việc bảo đảm bình đẳng giới trong tham gia chính trị và đời sống công.
Trở ngại lớn nhất là định kiến giới về vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và xã hội vẫn tồn tại trong đội ngũ lãnh đạo và người dân dẫn đến việc dè dặt trong quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm phụ nữ vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt; luân chuyển cán bộ nữ về công tác ở cơ sở để có kinh nghiệm thực tiễn và hoàn thành tiêu chí cán bộ cũng như bỏ phiếu bầu cho phụ nữ trở thành các đại biểu dân cử. Định kiến giới cũng làm cho lãnh đạo và người dân nghĩ rằng phụ nữ chỉ phù hợp với các vị trí phụ trách công tác xã hội và giữ vị trí cấp phó, giúp việc cho cấp trưởng nên thiếu nguồn phụ nữ kế cận cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt có vai trò ra quyết định.
Về mặt chính sách, quy định chỉ tiêu cán bộ nữ còn thấp so với tiềm năng của phụ nữ và dân số nữ cũng như tuổi nghỉ hưu không bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới cũng ảnh hưởng đến việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm lãnh đạo nữ. Phụ nữ được giới thiệu để bảo đảm tỷ lệ quy hoạch cán bộ và các bước hiệp thương bầu cử nhưng phụ nữ bị loại do những người được giới thiệu có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác và vị trí lãnh đạo thấp hơn so với nam giới ở cùng một đơn vị bầu cử hoặc trong các kỳ đại hội Đảng các cấp.
Một vấn đề khác là đại bộ phận cử tri nam và nữ không hiểu về các nguyên tắc bầu cử cũng như các cơ quan phụ trách bầu cử (tổ bầu cử) muốn hoàn thành sớm công tác bỏ phiếu một cách hình thức nên tồn tại tình trạng bầu thay, bầu hộ trong đó nam giới thường bỏ phiếu thay cho các thành viên ở trong gia đình.
Bên cạnh đó, bản thân phụ nữ tự ti, an phận nên không mạnh dạn đảm nhận các vị trí công việc cũng như thực hiện luân chuyển cán bộ; có hiện tượng lãnh đạo nữ không ủng hộ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo do định kiến giới về vai trò truyền thống của phụ nữ và tư tưởng hẹp hòi với phụ nữ.
Toạ đàm cũng chỉ ra một số giải pháp để tăng số lượng và chất lượng nữ tham gia lãnh đạo và các cơ quan dân cử trong nhiệm kỳ tới như truyền thông xoá bỏ định kiến giới và quyền tham gia chính trị của phụ nữ và nam giới, quy định tuổi nghỉ hưu bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, xây dựng chỉ tiêu giới trong bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo và cơ quan dân cử tương xứng với dân số nữ và tiềm năng của phụ nữ, thực hiện nghiêm túc các cam kết và các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và đời sống công và xây dựng năng lực lãnh đạo cho phụ nữ tiềm năng và lãnh đạo nữ.
—
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy bình đẳng thực chất trong tham gia chính trị và đời sống công ở Việt Nam” do Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương (CFLI) hỗ trợ. Dự án “Thúc đẩy bình đẳng thực chất trong tham gia chính trị và đời sống công ở Việt Nam” được triển khai tại tỉnh Bình Thuận và Hà Nội từ tháng 8/2019 – 2/2020. Mục đích của dự án là góp phần tăng số lượng và chất lượng phụ nữ tham gia lãnh đạo và ra quyết định trong nhiệm kỳ tới cũng như tăng cường vai trò của cử tri thuộc các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách.
Tin tức sự kiện
Đăng ký nhận thông tin mới