CEPEW

[i4Equality]CHÚC MỪNG CÁC SÁNG KIẾN ĐƯỢC QUỸ SÁNG KIẾN ĐỔI MỚI VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI LỰA CHỌN

Các bạn còn nhớ về Quỹ sáng kiến Đổi mới vì bình đẳng giới i4Equality (Innovations for Equality) không? i4E là quỹ được CEPEW khởi xướng nhằm mục đích tìm kiếm và hỗ trợ những ý tưởng mới của các cá nhân/nhóm hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Sau vòng lựa chọn hồ sơ, phỏng vấn và hỗ trợ, i4E đã tìm ra được những sáng kiến đổi mới và thú vị.

1. MIRROR MIRROR VIETNAM – BỘ CÔNG CỤ SÁNG TẠO TỰ HỌC VỀ BẠO LỰC GIỚI TRONG KHÔNG GIAN TƯ

Mirror Mirror Vietnam
Mirror Mirror Vietnam là nhóm thanh niên hoạt động độc lập vì bình đẳng giới được thành lập vào tháng 04/2019. Với mục tiêu thay đổi định kiến giới, nâng cao quyền năng phụ nữ, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới và thu hẹp khoảng cách giới tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực miền Nam, nhóm mong muốn tăng cường tiếng nói và vai trò của người trẻ đối với hành trình này bằng các công cụ nghệ thuật ứng dụng kết hợp học tập qua trải nghiệm, đồng thời xây dựng thư viện số với nội dung truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về giới trong xã hội hiện nay.
Về sáng kiến “Bộ công cụ sáng tạo tự học về Bạo lực giới trong không gian tư”
Với cách tiếp cận sáng tạo cùng hướng dẫn chi tiết để tìm hiểu sâu về Bạo lực giới trong không gian tư, bộ công cụ thẻ trò chơi đóng vai trò là bước tiếp cận sáng tạo giúp người trẻ 16-35 tuổi tìm hiểu và suy ngẫm các vấn đề về giới trong không gian riêng tư, thúc đẩy các đối thoại về giới trong không gian gia đình và các mối quan hệ thân mật. Các chủ đề nhỏ bao gồm: Gia đình và các mối quan hệ, Định kiến giới và vai trò giới trong gia đình và các mối quan hệ, Bạo lực giới trong gia đình và các mối quan hệ. Đây cũng là bước đầu của Mirror Mirror Vietnam trong việc phát triển, chia sẻ rộng rãi các học liệu uy tín đến các nhóm thanh niên cùng quan tâm đến các vấn đề giới để từng bước nâng cao năng lực người trẻ trong việc hiểu và lan tỏa giá trị bình đẳng.

2. IT’S T TIME – CHUỖI THẢO LUẬN TRỰC TUYẾN T-JUNCTION | KHI NGƯỜI CHUYỂN GIỚI NÓI VỀ GIỚI

Tổ chức cộng đồng IT’S T TIME
IT’S T TIME là một tổ chức cộng đồng của người chuyển giới, đa dạng giới thành lập, lãnh đạo hướng tới công tác nâng cao năng lực tri thức, kỹ năng cho người chuyển giới, đa dạng giới, đồng thời đồng hành cùng những người chuyển giới xuyên suốt quá trình định giới của họ để thúc đẩy sự tham gia tích cực, có hiệu quả trong tiến trình vận động cho quyền bình đẳng và chính đáng của họ. Các hoạt động sáng tạo của IT’S T TIME tập trung vào đối tượng chính là các thành viên trong cộng đồng Chuyển Giới, đa dạng giới hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội.
Sáng kiến CHUỖI THẢO LUẬN TRỰC TUYẾN T-JUNCTION | KHI NGƯỜI CHUYỂN GIỚI NÓI VỀ GIỚI
T-Junction là không gian và mô hình cộng đồng “tự thảo luận, tự đề xuất, tự khởi xướng” về định kiến, khuôn mẫu và bạo lực giới có ảnh hưởng tới đời sống của người chuyển giới Việt Nam thông qua các thảo luận xã hội. Nơi các thành viên cộng đồng có thể bày tỏ, biểu đạt quan điểm, suy ngẫm và trải nghiệm mà không sợ bị lên án, bài xích. Từ đó tạo điều kiện làm giàu thêm tri thức cộng đồng, giới thiệu lý thuyết, khái niệm có giá trị tham khảo và xây dựng các nhóm thành viên có quan tâm, mong muốn thảo luận và tham gia chương trình, sáng kiến trong tương lai về chủ đề nói trên.

3. CKC – KỂ CHUYỆN BẰNG ÂM NHẠC: XÂY DỰNG PHƯƠNG THỨC THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI CỦA NHÓM PHỤ NỮ KHIẾM THỊ Ở THỪA THIÊN HUẾ

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Đồng kiến tạo Tri thức (CKC)
CkC là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có văn phòng tại Huế, có chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu, lập kế hoạch xã hội và phát triển bền vững nhằm trao quyền cho các nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, người khuyết tật và dân tộc thiểu số.
Sáng kiến: KỂ CHUYỆN BẰNG ÂM NHẠC: XÂY DỰNG PHƯƠNG THỨC THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI CỦA NHÓM PHỤ NỮ KHIẾM THỊ Ở THỪA THIÊN HUẾ
Sáng kiến hướng đến trao quyền và nâng cao tiếng nói của nhóm phụ nữ khiếm thị ở tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua hoạt động tập huấn, chia sẻ, lắng nghe sâu và đồng sáng tạo một sản phẩm âm nhạc dựa trên chính khả năng, câu chuyện và thông điệp của họ về bình đẳng giới.
i4Equality và CEPEW rất hân hạnh được đồng hành cùng các dự án có ý nghĩa này.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ tới: Ms. Ly Ly
Email: ly.nguyen@cepew.org.vn
Exit mobile version